Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành (DDCI) năm 2024
Căn cứ kết quả công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 479/KH-QLTTLS ngày 04/5/2024 về khắc phục các hạn chế năm 2023 và thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2024; trong đó tập trung cải thiện 4 chỉ số thành phần bị giảm điểm trong năm 2023, bao gồm: “ Chi phí thời gian ”, “ Chi phí không chính thức”, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ”, “Vai trò người đứng đầu” và phát huy các Chỉ số tăng điểm trong năm 2023, giải pháp cụ thể như sau:
Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Chi phí thời gian”
- Nâng cao chất lượng, tiến độ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thông qua tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh còn vướng mắc so với quy định của pháp luật.
- Tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin trên Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, thiết thực, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chính xác, đảm bảo giảm thời gian trong từng vụ việc thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân kinh doanh tổ chức hoạt động kinh doanh.
- Bố trí công chức có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức thực hiện nhiệm vụ ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp, người dân đảm bảo tính chuyên nghiệp, đúng mực.
- Tiếp tục kiến nghị với Tổng cục Quản lý thị trường hoàn thiện Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), đầu tư bổ sung trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
2. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Chi phí không chính thức”
- Tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm công chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, cá nhân kinh doanh. Quyết liệt trong phòng ngừa, xử lý công chức phạm phạm quy định thông qua kiểm tra nội bộ, kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo kế hoạch, kiểm tra hồ sơ vụ việc hàng tháng.
- Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tạo kênh thông tin phản hồi thường xuyên về các hiện tượng công chức, người lao động nhũng nhiễu để đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.
3. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp„
- Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa các Đội Quản lý thị trường và chính quyền cấp cơ sở về tuyên truyền pháp luật, xây dựng các chuyên đề tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý thị trường; triển khai có hiệu quả các chính sách của pháp luật về hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh với nhiều hình thức và đảm bảo hiệu quả.
4. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Vai trò người đứng đầu”
- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm tập thể lãnh đạo Cục, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tổ chức, cá nhân kinh doanh; tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành theo kế hoạch, lộ trình của Trung ương, của tỉnh đã đề ra.
- Nghiêm túc, gương mẫu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; duy trì chế độ họp giao định kỳ (tuần, tháng), dự và chỉ đạo tại các cuộc họp đơn vị trực thuộc; kịp thời động viên khuyến khích công chức, người lao động có những đề tài, sáng kiến khoa học và thi đua khen thưởng nhằm nâng cao chất lượng công tác.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của từng lĩnh vực; kịp thời chỉ đạo, rà soát những tồn tại, hạn chế thuộc phạm vi quản lý của ngành để đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
5. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Thiết chế pháp lý”
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách quy định hỗ trợ tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, tham mưu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
- Tăng cường truyền thông, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; áp dụng văn bản pháp luật nhất quán giữa các nhóm đối tượng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định.
6. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Tính năng động và hiệu lực của hệ thống”
- Quán triệt nhận thức, trách nhiệm của công chức trong việc thực thi các chính sách, quy định hiện hành nhằm tuyền truyền, hỗ trợ doanh nghiệp. Đề cao tính năng động, sáng tạo, khả năng áp dụng và trách nhiệm tiên phong của người đứng đầu đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Tiếp tục đổi mới hình thức đối thoại, trao đổi thông tin với tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành.
- Tiếp tục cải thiết giao diện, phần mềm Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý thị trường, phát huy chức năng tiếp nhận thông tin để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân kinh doanh; tiếp nhận và phản hồi quá trình giải quyết kiến nghị, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
7. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”
Thực hiện các giải pháp hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính, tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
8. Giải pháp thực hiện đối với Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”
- Minh bạch trình tự thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; công khai đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Nâng cao chất lượng, thường xuyên cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục để đảm bảo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dễ dàng truy cập, tìm kiếm được thông tin; Các văn bản quy phạm pháp luật mới được cập nhật kịp thời; trả lời tổ chức, cá nhân kinh doanh nhanh chóng khi có kiến nghị.
Theo Kế hoạch, việc tổ chức thực hiện cũng được giao nhiệm vụ cụ thể, tổ chức thực hiện quyết liệt: (1). Lãnh đạo Cục căn cứ Thông báo phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Cục tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo triển khai theo các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo theo định kỳ quy định. (2). Các phòng, đơn vị thuộc Cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định và Kế hoạch này chủ động quán triệt, triển khai chi tiết theo các nội dung công việc để đảm bảo đạt điểm các chỉ số thành phần theo quy định. (3). Giao Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện thực hiện Kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu./.