Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn: Tổ chức tổng kết đợt cao điểm kiểm tra thị trường hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu năm 2021

Theo đó, đánh giá tình hình thị trường Trung Thu năm 2021 không như quy luật hàng năm, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội, một số huyện, thành phố tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người nên việc sản xuất, tiêu thụ hàng hoá Tết Trung thu cũng giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, nhìn chung các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, đồ chơi phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, không có hiện tượng tăng giá đột biến, khan hiếm hàng hóa. Mặt hàng bánh trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh trung thu trên thị trường chủ yếu là hàng hóa, sản phẩm truyền thống có nguồn gốc sản xuất trong tỉnh và một số loại bánh thương hiệu Kinh Đô, Hải Hà, Bibica,... Do đặc điểm kinh doanh theo mùa vụ với số lượng sản phẩm vừa đủ tiêu thụ nên sau Tết Trung thu hầu như không có hiện tượng kinh doanh bánh kẹo quá hạn sử dụng.
Đối với mặt hàng đồ chơi trên thị trường đa dạng về mẫu mã, chủng loại chủ yếu là các loại đồ chơi truyền thống như mặt nạ, đèn ngôi sao, đèn lồng, đèn kéo quân, trống... có nguồn gốc sản xuất trong nước, có ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện được chủ động từ sớm, lãnh đạo Cục đã trực tiếp nắm tình hình địa bàn, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm dịp Tết Trung thu; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra theo Kế hoạch định kỳ năm 2021, chú trọng nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan thực phẩm, thực hiện rà soát địa bàn, tăng cường kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn được phân công.
Tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo phối hợp các lực lượng thực hiện các biện pháp ngăn chặn hàng hóa thực phẩm nhập lậu trên các đường mòn biên giới, tụ điểm tập kết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhập lậu.
Các Đội đã tham mưu cho UBND các huyện, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND và HĐND huyện, Trung tâm Y tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Công an, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và UBND cấp xã,... để kiểm tra, xử lý và tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, bỏ lọt địa bàn.
Phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền các văn bản pháp luật về ATTP với các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trực tiếp thông qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, ký cam kết, qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của Cục Quản lý thị trường, tiếp tục duy trì số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ nhân dân.
Kết quả công tác tuyên truyền: Các Đội Quản lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: duy trì tuyên truyền bằng loa lưu động trên xe ô tô tại các điểm tập trung đông dân cư được 05 lượt; vận động ký cam kết chấp hành pháp luật đối với 133 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết trung thu; tuyên truyền thông qua hoạt động kiểm tra được 225 lượt cơ sở kinh doanh; phối hợp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP; Quy định về hợp quy đối với đồ chơi, khuyến cáo không kinh doanh các loại đồ chơi nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhân cách giáo dục...
Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: Đã kiểm tra: 193 vụ (bằng 95,07% so với năm 2020), xử lý vi phạm: 135 vụ (bằng 118,42% so với năm 2020); Tổng tiền xử lý vi phạm hành chính: 713.352.000 đồng (bằng 236,9% so với năm 2020). Trong đó: Số tiền phạt VPHC: 347.600.000 đồng (bằng 233,13% so với năm 2020); Trị giá hàng hóa vi phạm: 365.752.000 đồng (bằng 240,59% so với năm 2020).
Một số hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm chín, dụng cụ gom chất thải rắn không có nắp đậy, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Một số mặt hàng vi phạm chủ yếu: 1.650kg nho xanh không hạt; 444 chiếc bánh Trung thu MX LAVA CUSTAD; 656 khẩu súng đồ chơi các loại; 12 chiếc kiếm nhựa; 48 chiếc gậy nhựa sử dụng pin; 33kg quả táo khô; 300 hộp bánh hạt dẻ; 300kg hướng dương; 156 chai bia Liquan (595ml/chai); 408 lon bia Liquan; 300 chai sữa chua Trung Quốc.
Qua việc tổng kết cho thấy: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đã được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ; theo chức năng, nhiệm vụ quy định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hợp pháp. (2) Các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức an toàn thực phẩm của toàn cộng đồng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. (3) Việc nhập lậu thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm, đồ chơi cơ bản được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. (4) Hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường đã có tác động tích cực đến nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng; Ý thức lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chú trọng mặt hàng sản xuất trong nội địa, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trong thời gian tới, xác định công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ chơi, tổ chức thực hiện các Kế hoạch của Cục đã được phê duyệt.
2. Phối hợp cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp có hiệu quả lan tỏa sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.
3. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý địa bàn; chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, chú trọng về các hành vi vi phạm liên quan đến đảm bảo các điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm. Phối hợp tốt việc kiểm tra và lấy mẫu thực phẩm giám định, test thử nhanh để cảnh báo, ngăn chặn, phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, đồ chơi nhập lậu, không để hình thành đường dây, tụ điểm về hàng lậu, hàng giả tồn tại trên địa bàn./.
Công chức của Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp nghiên cứu, triển khai đợt cao điểm kiểm tra thị trường hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu năm 2021.